Công ty cổ phần Tập đoàn CĐ Việt Nam
vn en
Menu

Công tác tại xã đảo Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Ngày 16/02/2022 trong chuyến đi công tác tại tỉnh Thanh Hóa, Tập đoàn đã đến thăm, động viên và ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại xã đảo Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn. 

Công tác tại xã đảo Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa

          Xã Nghi Sơn được thành lập vào ngày 14/12/1984 trên cơ sở đảo Biện Sơn thuộc xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia. Ngày 22/4/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 933/NQ-UBTVQH14 thành lập thị xã Nghi Sơn trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của huyện Tĩnh Gia. Xã Nghi Sơn nằm trong Khu kinh tế Nghi Sơn, với diện tích 3,07km2 , dân số trên 10.000 người. người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản.  

Toàn cảnh xã đảo Nghi Sơn

          Xã đảo Nghi Sơn còn có tên gọi Biện Sơn vốn là cù lao nổi lên giữa một vùng sóng nước mênh mông nằm trong cửa Bạng. Trước đây, từ đất liền muốn ra đảo, người dân phải dùng thuyền nhưng sau này, do tác động của quá trình kiến tạo địa chất và con người quai đê lấn biển, Biện Sơn được nối với đất liền thành một dải. Việc đi lại chủ yếu là đường núi nhỏ hẹp nhưng dễ dàng và thuận tiện hơn.

Bãi Đông

          Đến Nghi Sơn, đi giữa những con đường nhỏ len lỏi trên những dãy núi hoang sơ, người ta sẽ được tận mắt ngắm cảnh mênh mang sóng nước với những kiến tạo độc đáo mà thiên nhiên ban tặng, được nghe tiếng sóng, tiếng thuyền bè tấp nập và cả những lao xao chợ cá buổi sớm hôm, được hòa mình vào với nhịp sống mộc mạc, cần lao của những cư dân xóm nhỏ... Mà đâu chỉ có vậy, mảnh đất này hấp dẫn du khách còn bởi những dấu tích văn hóa vừa mang đậm giá trị lịch sử lại vừa gắn liền với những huyền thoại đẹp được lưu truyền trong dân gian. Tiêu biểu là các di tích: Đền thờ Vua Quang Trung, Đền thờ Sát Hải Đại vương, giếng Ngọc cùng với huyền tích về Mỵ Châu - Trọng Thủy, những dấu tích còn sót lại của phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn, một trong những dấu ấn đậm nét của nghĩa quân Tây Sơn trên đất Thanh Hóa... 

Đền thờ Quang Trung

Theo tài liệu sử sách ghi lại, trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc năm 1788-1789, phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn giữ vai trò quan trọng trong các chiến lược đánh quân xâm lược nhà Thanh (Trung Quốc) của đại quân Tây Sơn do Quang Trung thống lĩnh. Với những bước đi đúng đắn từ việc rút lui chiến lược, phòng tuyến cũng là bàn đạp của cuộc phản công, là căn cứ xuất phát của các đạo thủy bộ hùng binh Tây Sơn tiến ra đại phá quân giặc. 

Lễ hội vua Quang Trung

          Để nhớ công ơn của người anh hùng áo vải, người dân đã lập đền thờ Vua Quang Trung ngay tại căn cứ thủy quân Biện Sơn. Đền có vị trí đẹp, phía trước mặt và bên hông hướng ra biển, nơi có những chiếc tàu cá neo đậu, phần còn lại tiếp giáp với nhiều nhà dân khiến đền thờ vừa có sự linh thiêng, trầm mặc vừa rất đỗi gần gũi với cuộc sống nhộn nhịp đặc trưng của một miền quê làng biển. Hàng năm, lễ hội Quang Trung được tổ chức vào ngày mùng 5 - 7 tháng Giêng với các nghi thức truyền thống: rước kiệu, dâng lễ vật, tế lễ, đọc chúc văn để cầu mong thần linh, Vua Quang Trung phù hộ che chở một mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè ra khơi về lộng an toàn. Sau phần lễ là phần hội diễn ra với các làn điệu dân ca, trò diễn mang đậm yếu tố văn nghệ dân gian biển đảo như: hò sông nước, kéo co, bơi thuyền...

          Trong chuyến đi công tác, Tập đoàn đã đến thăm hỏi, động viên chính quyền và nhân dân xã đảo Nghi Sơn trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và Ủng hộ 100 triệu đồng.

 


         Tập đoàn CĐ Việt Nam ủng hộ phòng chống COVID-19 tại thị xã Nghi Sơn, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn tiếp nhận quà tặng của Tập đoàn.



 

          Cùng ngày, Tập đoàn đã đi kiểm tra tiến độ dự án Khu nghỉ dưỡng sinh thái và nhà ở lưu trú khách du lịch Đảo Ngọc tại xã Nghi Sơn. Đây là một trong những dự án của Tập đoàn tại tỉnh Thanh Hóa có quy mô 20 ha, tổng mức đầu tư 1.611 tỷ đồng.


 

 

 

 

 









Tin tức khác

  • Tin tức
  • Tin nội bộ
  • Tin trong ngành
  • Tin tức cổ đông